OnMic – Nền tảng audio mở ra cơ hội để thương hiệu chinh phục người dùng bằng âm thanh

Theo National Public Media, lượng người nghe nội dung audio đã tăng 30% trong 6 năm qua và tăng 8% vào năm 2020. Tại Việt Nam, tỷ lệ người dùng smartphone để nghe nội dung audio chiếm 78% và có đến 68% trong số đó nghe khi multi-tasking (làm nhiều việc một lúc). Những người trẻ thuộc thế hệ millennials (Gen Y) và thế hệ Z (Gen Z) có xu hướng nghe nội dung audio, đặc biệt là podcast nhiều hơn (chiếm 86% trong tổng số người nghe).  

Những con số trên đã thúc đẩy sự phát triển của nội dung bằng âm thanh trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Hàng loạt ông lớn như Facebook, Twitter, LinkedIn, Spotify nhanh chóng thử nghiệm và ra mắt tính năng trò chuyện âm thanh của riêng mình để giữ chân người dùng. Nhiều mạng xã hội âm thanh cũng được ra đời để bắt kịp xu hướng này. Tại Việt Nam, OnMic là ứng dụng trò chuyện bằng âm thanh mới nổi đang thu hút được sự chú ý của đông đảo người dùng.

Là ứng dụng audio đầu tiên do người Việt phát triển, OnMic cung cấp tính năng tạo các phòng trò chuyện trực tiếp​​ (voice-streaming), có tương tác giữa người nói và thính giả. Thay vì sử dụng chữ viết, ảnh hoặc video làm phương tiện giao tiếp, OnMic cho phép mọi người “tụ họp” trong các phòng trò chuyện âm thanh để lắng nghe và trao đổi về nhiều chủ đề khác nhau. Tại đây, người dùng có thể xây dựng các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp nhanh chóng chỉ với một chiếc smartphone mà không tốn bất kỳ chi phí nào. 

Không giống với các nền tảng hỗ trợ podcast hay livestream khác, những cuộc trò chuyện trên OnMic được diễn ra real-time trên ứng dụng. Do đó, người nghe thường sẽ tập trung vào nội dung truyền tải từ cuộc trò chuyện mà họ quan tâm tại thời điểm tham gia, thay vì bị phân tâm hay có xu hướng trì hoãn. Ngoài ra, ứng dụng còn đề cao chiều sâu và sự đa chiều của nội dung mà ở đó, song song với việc lắng nghe, người nghe có thể đưa ra phản hồi với người chia sẻ bằng cách “giơ tay”. 

Dù chỉ mới ra mắt chưa đầy 2 tháng nhưng đã có hàng nghìn phòng trò chuyện với đa dạng chủ đề từ sức khoẻ tình dục/tâm lý, kiến thức ngành truyền thông – quảng cáo, tài chính cá nhân, cách săn học bổng đến trải nghiệm du lịch, đọc sách cùng nhau,… được tạo trên ứng dụng. Trong đó, có nhiều phòng trò chuyện thu hút hơn 500 người nghe cùng lúc như “Muốn content high phải nắm insight”, “Chiến dịch Quảng cáo là gì?”, “Bên trong một người nghệ sĩ độc lập”,…

Đồng thời, ứng dụng cũng thu hút sự tham gia của nhiều micro và power-middle influencer trong lĩnh vực của họ như travel blogger, MC, chuyên gia marketing/ tài chính/ sức khoẻ tâm lý, podcaster, trainer/coach, giảng viên,…. Điều này đã chứng tỏ được sức ảnh hưởng không nhỏ của xu hướng trò chuyện bằng âm thanh nói chung và ứng dụng OnMic nói riêng.

Báo cáo từ IAB cho biết, doanh thu quảng cáo bằng âm thanh đã tăng hơn 13%, tương đương 350 triệu USD vào năm 2020. Theo Plug In – Audio Ad, việc tiếp nhận thông tin từ quảng cáo bằng âm thanh (audio ads) khiến 59% người nghe nhớ được khẩu hiệu (slogan) của thương hiệu, 10% nhớ tên thương hiệu và làm tăng 9% nhận dạng thương hiệu. Trong sự phát triển của hình thức audio ads, những ứng dụng có tính năng trò chuyện bằng âm thanh như OnMic được xem là “mảnh đất” tiềm năng giúp thương hiệu chinh phục người dùng hiệu quả.

Sân chơi mới của Influencer Marketing 

Với tính năng trò chuyện và tương tác chỉ bằng âm thanh, OnMic đã tạo ra gắn kết sâu sắc giữa nội dung và người dùng. Tại đây, sự chú ý của người nghe chỉ tập trung toàn bộ vào chia sẻ của host (người chủ trì chương trình) và những thành viên tham gia mà không bị xao nhãng bởi các yếu tố như hình ảnh, video, bình luận của khán giả,… Sự mới lạ trong hình thức sáng tạo nội dung cũng như cách tương tác với khán giả trên OnMic đã thu hút sự quan tâm của nhiều influencer và những ai muốn trở thành influencer. 

Đặc biệt, không chỉ có những thành viên vốn đã nổi tiếng trên các nền tảng khác mới có thể trở thành influencer trên OnMic. Chỉ cần người dùng có những chia sẻ thú vị hoặc kiến thức chuyên môn về một lĩnh vực cụ thể, có khả năng trình bày và điều phối cuộc trò chuyện cũng có thể trở thành một influencer trên ứng dụng. Có thể thấy, OnMic đang tạo ra một thế hệ nhà sản xuất nội dung kiểu mới – hứa hẹn sẽ là xu hướng bùng nổ trong tương lai gần. 

Thương hiệu có thể tận dụng xu hướng này để phát triển chiến lược influencer marketing thông qua việc hợp tác với các influencer hoặc tài trợ cho chat room trên OnMic. Qua đó, gia tăng khả năng nhận diện của thương hiệu và thúc đẩy doanh số hiệu quả.

Tổ chức sự kiện ảo (Virtual Event)

chỉ với một thao tác

Trước bối cảnh đại dịch, xu hướng tổ chức sự kiện chuyển dịch mạnh mẽ từ offline sang các nền tảng online. Hiện nay, những hội nghị quy mô lớn thậm chí cũng đã chuyển một phần hoặc hoàn toàn sang nền tảng kỹ thuật số, nhiều doanh nghiệp đang bắt đầu tích cực tổ chức các sự kiện ảo trên nền tảng chuyên dụng. 

Với giao diện thân thiện và dễ dàng sử dụng trên thiết bị di động, OnMic sẽ cung cấp giải pháp mới giúp thương hiệu tổ chức các sự kiện ảo một cách nhanh chóng, miễn phí nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Chỉ với một thao tác “tạo sự kiện” tại ứng dụng, thương hiệu hoặc cá nhân có thể tổ chức nhiều sự kiện khác nhau như: Tư vấn trực tuyến, hội thảo, xây dựng cộng đồng,… để kết nối với khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, tính năng “giơ tay” của ứng dụng sẽ giúp mọi người tương tác, chia sẻ thường xuyên mọi nơi mọi lúc. 

Dùng OnMic để thu thập insight khách hàng

Insight hay còn hiểu là “sự thật ngầm hiểu” là điều mà bất kỳ thương hiệu hay marketer nào cũng quan tâm khi thực hiện một chiến dịch truyền thông. Bởi nội dung truyền thông đúng insight sẽ giúp thương hiệu trở nên nổi bật hơn so với các đối thủ cạnh tranh, đồng thời tránh việc lặp lại một nội dung truyền thông đã cũ và kém thu hút. 

Việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội để tìm insight là cách ít tốn kém và nhanh chóng nhất để hiểu rõ người dùng. Tại ứng dụng OnMic, thương hiệu có thể lựa chọn tham gia bất kỳ chat room có chủ đề phù hợp để thu thập những phản hồi và tìm kiếm insight từ người dùng. Với đa dạng chủ đề từ mọi ngành nghề và đối tượng tham gia ở nhiều độ tuổi, thương hiệu có thể dễ dàng thu thập insight từ đối tượng mục tiêu thông qua những trao đổi, chia sẻ của họ trên ứng dụng. Ngoài ra, thương hiệu cũng có thể “đào sâu” insight bằng cách mở một cuộc thảo luận nhóm (FGD – Focus Group Discussion) quy mô nhỏ và dùng tính năng “private room” để chỉ mời những người cần tham gia vào phòng trò chuyện và lắng nghe quan điểm của họ.

Tạm kết

Dù chỉ là một ứng dụng non trẻ trên thị trường, nhưng OnMic đã mở ra nhiều cánh cửa mới giúp thu hẹp khoảng cách giữa thương hiệu và người tiêu dùng. Đồng thời, ứng dụng cũng thổi một làn gió mới vào xu hướng nghe nội dung bằng âm thanh tại Việt Nam, hứa hẹn sẽ bùng nổ và trở nên phổ biến trong tương lai. Cùng chờ đón những bức phá mới từ OnMic!

Thực hiện: Advertising Vietnam

Content: Tâm Thương

Design: Đạt Đặng

Nên xem