Content Writer và Designer: Bí kíp dung hòa để trở thành cặp đôi “bất khả chiến bại” trong sáng tạo

“Trong bất kỳ trường hợp nào, Content Writer và Designer cũng phải làm việc cùng nhau để tạo ra ý tưởng sắc bén nhất” – Theo Chị Mai Trần – Copywriter dày dặn kinh nghiệm tại các công ty hàng đầu trong ngành quảng cáo.

Trong buổi Talkshow diễn ra trên ứng dụng OnMic, anh Leo Phan – Giám đốc sáng tạo xuất thân từ Art Director với hơn 20 năm kinh nghiệm cùng chị Mai Trần – Phó Giám đốc sáng tạo xuất thân từ Copywriter đã chia sẻ về chủ đề “Content Writer + Designer. Làm sao quất job cùng nhau?”.

Cùng Advertising Vietnam khám phá qua thông tin thú vị dưới đây.

Cùng lắng nghe những chia sẻ thú vị từ Host Leo Phan và khách mời Mai Trần

Tại sao Content Writer và Designer dễ xảy ra mâu thuẫn?

Quảng cáo là thế giới của hình ảnh và câu chữ. Đây là công việc nhân văn, dùng nội dung giáo dục và truyền thông để truyền cảm hứng cho người xem. Do đó, ngành quảng cáo luôn đòi hỏi những ý tưởng từ các bộ phận sáng tạo.

Bộ phận sáng tạo trong agency thường được chia thành hai nhánh: Content/ Copywriter sẽ phụ trách về câu chữ và Designer sẽ đảm nhận về mặt hình ảnh. Mặc dù đều là những người thiên về não phải nhưng cách tư duy thiết kế visual của Designer và cách sáng tạo ý tưởng bằng câu chữ của Content luôn có sự khác biệt. Vì xuất phát từ góc nhìn và lập luận khác nhau nên hai nhánh công việc này dễ phát sinh mâu thuẫn trong quá trình làm việc, không hiểu rõ ý tưởng của đối phương, dẫn đến khó khăn khi tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.

Cách tư duy bằng não phải của Content Writer khác với Designer

Vì vậy, muốn có một quảng cáo hay, một bài sản phẩm tốt, trước tiên các Content Writer và Designer phải biết cách phối hợp làm việc với nhau, cùng giúp đỡ nhau để có ý tưởng thuyết phục cấp trên và khách hàng.

Như thế nào là trình tự làm việc đúng giữa Content Writer và Designer?

Hiện nay, các Content Writer và Designer thường đặt câu hỏi khi làm việc cùng nhau rằng bên nào sẽ triển khai công việc trước. Có hai quan điểm thường thấy về vấn đề này.

Content phải đi trước

Quan điểm này cho rằng người làm Content sẽ sáng tạo toàn bộ câu chuyện, có cái nhìn tổng quát, thấu hiểu từng angle của các bài viết, đặt ra mục tiêu của chiến dịch ở từng mặt trận. Sau đó, Designer sẽ nhận những thông tin tổng quan đó để lên ý tưởng thiết kế hình ảnh xuyên suốt, phù hợp cho từng dạng bài. Cách làm này sẽ giúp Designer tiết kiệm thời gian suy nghĩ chủ đề hơn. 

Content Writer là người tạo câu chuyện tổng thể trước, Designer sẽ thiết kế hình ảnh theo sau 

Designer phải đi trước

Đối với một số Content Writer, công việc lên ý tưởng thuộc trách nhiệm của Designer bởi “thiết kế là xương sống của một chiến dịch quảng cáo”. Lúc này, Designer sẽ lên Big Idea (Ý tưởng lớn) thiết kế trên các phương tiện truyền thông trước. Từ đó, Content Writer có thể dựa vào để viết caption, headline (tiêu đề) phù hợp với hình ảnh.

Designer phải lên ý tưởng trước vì thiết kế là xương sống của chiến dịch quảng cáo

Tuy nhiên, theo ý kiến khách mời, Content Writer dễ nảy sinh ý tưởng hơn vì trong quá trình sáng tạo, câu chữ thường xuất hiện nhanh và liền mạch với nhau. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Content Writer sẽ luôn luôn là người triển khai ý tưởng trước. Thay vào đó, trong bất kỳ tình huống nào, hai bên “làm hình” và “làm chữ” cũng phải ngồi lại với nhau để cùng thảo luận và đưa ra ý tưởng hiệu quả nhất. 

5 chiến lược để Content Writer và Designer phối hợp ăn ý cùng nhau

Định hướng truyền thông cho chiến lược nội dung

Dù làm một dự án nhỏ như bài đăng trên mạng xã hội hay một chiến dịch digital lớn thì đều phải có chiến lược nội dung. Chiến lược sẽ xuất phát từ định hướng truyền thông của Digital Planner – người “vẽ đường cho hươu chạy” từ việc phân bổ lượng bài, cho đến việc nên đánh ở mặt trận nào. Định hướng này thường được tổng hợp dựa trên phân tích từ phương pháp 4C, gồm Competitor (đối thủ), Consumer (khách hàng), Category (ngành hàng) và Company (công ty). Từ định hướng truyền thông này, bộ phận sáng tạo sẽ xây dựng Big Idea và chia thông điệp đó thành các angle, nội dung cho từng mặt trận.

Digital Planner sẽ tạo định hướng truyền thông cho bộ phận sáng tạo

Chiến thuật truyền thông

Tiếp theo, người làm sáng tạo cần phải xác định bộ khung cụ thể của chiến lược. Theo kinh nghiệm của anh Leo Phan, khung chiến lược nên có 4 giai đoạn chính để thu hút khách hàng. Đầu tiên là Teasing để khiến khách hàng tò mò về chiến dịch hoặc sản phẩm. Thứ hai là Engaging để tạo sự kết nối với khách hàng. Thứ ba là Call To Action, kêu gọi khách hàng mua sản phẩm. Và cuối cùng là Amplify, lan tỏa chiến dịch đó đến nhiều khách hàng hơn nữa. Việc xác định mục tiêu của từng giai đoạn sẽ giúp bộ phận sáng tạo có chiến thuật cho các mặt trận và phương tiện truyền thông khác nhau.

Nhịp điệu sáng tạo

Là cách truyền tải nhiều chất liệu sáng tạo từ Big Idea trong một chiến dịch, lúc nào dùng hình, lúc nào dùng video, minigame để mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người tiêu dùng. 

Phương tiện truyền thông

Hiện nay có rất nhiều tệp media để sáng tạo bài viết. Do đó, người làm nội dung phải hiểu được các mặt trận truyền thông để có thể “tấn công” đúng cảm xúc và nhu cầu của khách hàng, đưa họ chìm đắm trong cuộc hành trình tìm hiểu và mua sản phẩm.

Người làm nội dung phải hiểu các phương tiện truyền thông để sáng tạo ý tưởng phù hợp

Chọn ý tưởng sắc bén nhất

Khi làm việc cùng nhau, mâu thuẫn dễ xảy ra khi Content Writer và Designer đều có ý tưởng hay nhưng lại không biết cách dung hoà. Để tránh trường hợp này, hai bên nên thảo luận cùng nhau, chọn ra một ý tưởng khả thi hoặc cách kết hợp các ý tưởng lại để tạo ra một ý tưởng sắc bén nhất. Đặc biệt, khi bất đồng quan điểm, hãy đặt mình vào tình thế của người còn lại để hiểu ý nhau hơn và tạo nên sự phối hợp nhịp nhàng giữa hình với chữ.

Phối hợp nhịp nhàng giữa hình ảnh và câu chữ để tạo ra ý tưởng sắc bén nhất

Có thể thấy, cả Content Writer lẫn Designer đều phải nỗ lực phối hợp trong nhiều công đoạn để hoàn thành nội dung sáng tạo. Chỉ cần biết cách làm việc cùng nhau, cả hai sẽ trở thành bộ đôi “bất khả chiến bại” trong mọi mặt trận và sớm thăng tiến trên con đường sự nghiệp của mình.

Lời khuyên cho người làm sáng tạo

Cũng trong buổi trò chuyện này, anh Leo Phan và chị Mai Trần cũng gửi gắm những lời khuyên hữu ích cho người làm sáng tạo trong ngành quảng cáo.

Làm sao để có nội dung hay?

Trước tiên, người sáng tạo nội dung phải hiểu thương hiệu ở mọi góc độ như thiết kế, cấu tạo sản phẩm, ý nghĩa,…Tiếp theo đó là hiểu người tiêu dùng bằng cách nắm được tất cả những thứ họ quan tâm. Cuối cùng, hãy đặt hai điều này lên bàn cân và điểm cân bằng chính là Big Idea mà người sáng tạo đang tìm kiếm.

Nội dung hay xuất phát từ việc hiểu thương hiệu và người tiêu dùng

Nên trở thành những “con sói lai”

Khi làm việc lâu năm cùng nhau, Content Writer sẽ thường xuyên được tương tác với hình ảnh và ngược lại, Designer cũng tiếp thu được kiến thức phong phú về mặt ngôn từ, từ đó dần trở thành thói quen và học được nhiều kiến thức của nhau một cách tự nhiên. Đối với ngành quảng cáo, dường như không có vị trí nào chỉ làm duy nhất một nhiệm vụ mà thường yêu cầu người làm nghề phải nắm được kỹ năng đa dạng và kiến thức liên quan. Vì vậy, việc trở thành những “con sói lai” (một nhân vật lai giữa người và sói trong trò chơi Ma sói) am hiểu cả hình ảnh và câu chữ sẽ giúp cả hai nhân vật quan trọng trong bộ phận sáng tạo này đẩy nhanh tiến độ khi thực hiện dự án.

Xu hướng thể hiện visual hiện nay

Xác định xu hướng trong ngành quảng cáo hiện nay là không dễ dàng bởi những điều này thường xuất hiện bất ngờ và không rõ ràng về thời gian tồn tại. Designer nên nắm bắt một số xu hướng về màu sắc, trào lưu thiết kế nổi bật của các nhãn hàng lớn, các phong cách phổ biến hoặc những làn sóng tạo ảnh hưởng trên thế giới để những sản phẩm tiếp cận với nhiều người tiêu dùng hơn.

Designer nên nắm bắt các xu hướng về hình ảnh để tiếp cận với nhiều người dùng

Người làm Content nên đa dạng hóa chính mình

Có nên tách biệt Copywriter và Content Writer không? Đây là một băn khoăn của không ít các bạn làm Content. Về bản chất công việc, Copywriter sẽ là người làm kịch bản quảng cáo, tagline, ý tưởng cốt lõi của chiến dịch. Còn Content Writer sẽ phụ trách triển khai nội dung từ Big Idea của Copywriter thành nhiều angle ở các mặt trận truyền thông như Facebook, Instagram,… Tuy nhiên hiện nay, Content Writer và Copywriter không nhất thiết phải tách bạch nhiệm vụ rõ ràng như vậy, cả hai đều cần rèn luyện và bổ sung nhiều kỹ năng phong phú để có thể thực hiện truyền thông marketing tích hợp (IMC) và phát triển bản thân.

Người làm Content hiện nay nên đa dạng hóa chính mìnhhttps://open.spotify.com/embed/episode/398BYkGDRvAZl1g9A5exJS
Chia sẻ của các khách mời đã được cập nhật trên ứng dụng Spotify

Tạm kết 

Thông qua bài viết được đúc kết trên những chia sẻ của anh Leo Phan và chị Mai trần, hy vọng rằng các Content Writer và Designer đã biết cách phối hợp hiệu quả cùng nhau cũng như có thêm tư duy cần thiết để thành công trong nghề.

Cùng đón xem nhiều buổi chia sẻ thú vị về ngành quảng cáo bằng cách bấm theo dõi các khách mời trên ứng dụng OnMic. 

Tổng hợp

Linh Hà | Advertising Vietnam

Nên xem