Tìm hiểu Audio Content: 4 loại nội dung âm thanh phổ biến và cách xây dựng

Âm thanh là một công cụ quan trọng của marketing, tồn tại ở nhiều hình thức như bài hát, lời thoại, nhạc nền,… Vì thế, audio content (nội dung âm thanh) ngày càng trở nên phổ biến, được áp dụng rộng rãi trong các chiến dịch của các thương hiệu.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người dùng smartphone để nghe nội dung âm thanh chiếm 78% và có đến 68% trong số đó nghe khi multi-tasking (làm nhiều việc một lúc). Minh chứng cho sự phát triển của nội dung âm thanh, ứng dụng audio đầu tiên do người Việt phát triển OnMic tập hợp những nhà sáng tạo nội dung ở đa dạng lĩnh vực, trải dài từ âm nhạc, phim ảnh, sách, công nghệ cho đến những tâm sự, quan điểm cá nhân về một chủ đề bất kỳ,… có thể tạo các phòng trò chuyện trực tiếp (voice-streaming). Những cuộc trò chuyện trên OnMic được diễn ra real-time và có sự tương tác giữa người nói và thính giả.

OnMic là ứng dụng audio đầu tiên do người Việt phát triển

4 loại hình Audio Content phổ biến

1. Tìm kiếm bằng giọng nói (Voice search)

Thời gian qua, các công cụ tìm kiếm (Search Engine Results Page – SERP) đã có nhiều thay đổi đáng kể. Nhằm giúp người dùng dễ dàng tìm thấy các nội dung hữu ích, các công ty phần mềm liên tục điều chỉnh các thuật toán để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm của người dùng.

Một trang kết quả tìm kiếm thông thường

Tìm kiếm bằng giọng nói được cho là sẽ sớm được ưu tiên trên các SERP. Tính năng này cho phép người dùng diễn đạt các yêu cầu của họ thông qua các ứng dụng như Siri, Amazon Echo, Google Voice Search, và các công nghệ hỗ trợ AI khác.

2. Podcast

Podcast là một series các tập tin âm thanh hoặc video số mà người dùng có thể tải về hoặc nghe trực tuyến. Người dùng có thể phát hành các podcast mới bất cứ lúc nào, song để mang lại hiệu quả tốt nhất, người dùng cần có một lịch sản xuất thường xuyên và chuyên nghiệp.

Người dùng có thể nghe podcast trực tuyến trên các nền tảng Spotify, Apple Podcast

Các podcast thường chia sẻ các mẹo, thủ thuật, các cuộc phỏng vấn được tổ chức để thảo luận xung quanh một chủ đề nào đó. Nếu các thương hiệu, doanh nghiệp muốn áp dụng hình thức này vào chiến lược marketing, hãy tập trung vào một nội dung phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của mình.

Theo thống kê từ Forbes, số lượng kênh podcast hoạt động đã vượt qua con số 800.000, tương ứng 54 triệu tập đang được phát trên toàn cầu với đa dạng chủ đề: kinh doanh, truyền thông, phát triển cá nhân, giải trí, xã hội,… Tại Việt Nam, các kênh podcast cung cấp kiến thức bổ ích về marketing và những câu chuyện thú vị trong ngành truyền thông đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Điển hình như Advertising Vietnam Podcast, Những câu chuyện làm “Ngành”, M.A.D,…

3. Sách nói (Audiobook)

Sách nói là loại sách mà nội dung được chuyển đổi từ chữ in trên giấy sang dạng âm thanh thông qua giọng đọc. Sự phát triển của công nghệ đã biến hình thức này trở nên phổ biến trong những năm gần đây.

Hình thức Audiobook trở nên phổ biến trong những năm gần đây

Bất kỳ tác phẩm nào đã in hoặc xuất bản trực tuyến đều có thể trở thành sách nói. Hình thức này giúp người dùng có thể dễ dàng “đọc” sách bằng tai nghe thay vì phải nhìn trực tiếp vào màn hình máy tính và điện thoại.

4. Quảng cáo âm thanh (Audio Ads)

Audio ads là hình thức tiềm năng để nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu và tạo kết nối cảm xúc với nhiều nhóm khách hàng. Theo Plug In – Audio Ad, việc tiếp nhận thông tin từ quảng cáo bằng âm thanh (audio ads) khiến 59% người nghe nhớ được khẩu hiệu (slogan) của thương hiệu, 10% nhớ tên thương hiệu và làm tăng 9% nhận dạng thương hiệu. Quảng cáo âm thanh có thể được điều chỉnh theo nhân khẩu học, khu vực địa lý cụ thể hoặc đối tượng tiềm năng để đáp ứng các chiến lược marketing của doanh nghiệp. 

Trong chiến dịch quảng bá sản phẩm Mirinda Soda Kem, thương hiệu áp dụng chiến lược quảng cáo âm thanh. Bằng việc lặp đi lặp lại cụm từ “Mirinda Soda Kem” xuyên suốt quảng cáo và kết hợp thêm các đặc tính của sản phẩm mới này như “thơm béo”, “ngon xoắn lưỡi”, thương hiệu đã gây ấn tượng với người nghe, giúp họ nhớ tên sản phẩm chỉ trong vài giây đầu.

5 bước xây dựng Audio Content

Âm thanh là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp khai thác và phát triển. Sự phát triển của công nghệ mở rộng khả năng kết nối của các thiết bị, giúp việc truyền tải nội dung qua âm thanh đơn giản và dễ được đón nhận hơn. Hãy cùng điểm qua 5 bước khai thác mảnh đất này!

1. Xác định mục tiêu

Marketer cần trả lời được những câu hỏi như vì sao khách hàng lại chọn sản phẩm của mình, khách hàng mong muốn điều gì, nếu họ quyết định không mua sản phẩm/ dịch vụ của công ty mình thì đâu là điểm đột phá trong kênh bán hàng?

Khách hàng cần được cung cấp những thông tin có giá trị, các đề xuất để khắc phục các vấn đề thường gặp. Tiếp thị nội dung bằng âm thanh sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết những câu hỏi này.

2. Đặt ngân sách hợp lý

Một chiến lược truyền thông sẽ được bao phủ trên trên nhiều kênh như báo giấy, tạp chí, truyền hình, mạng xã hội, đài phát thanh, … để tăng mức độ nhận diện. Trong một doanh nghiệp, marketer là người lên kế hoạch phát triển, xác định chi phí và mục tiêu sản xuất nội dung. Hiện nay, Audio Content cũng cần được lên kế hoạch chi tiết và lâu dài để phát triển.

3. Tìm kiếm âm thanh phù hợp

Nếu doanh nghiệp đã từng sản xuất video, các marketer có thể tận dụng các nội dung âm thanh ấy để xuất bản lại. Nếu chưa có, doanh nghiệp có thể tìm đến các nhà sản xuất âm thanh chất lượng để ký hợp đồng, sau đó xuất bản nội dung trên nhiều nền tảng truyền thông.

Nhằm củng cố bộ nhận diện thương hiệu, Colgate đã hợp tác cùng music agency Massive Music ra mắt âm thanh thương hiệu (sonic branding). Để đáp ứng các tiêu chí của Colgate, agency đã làm việc với các học giả, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc và nhà khoa học thần kinh để tìm ra âm thanh phù hợp nhất. Âm thanh sử dụng khóa Rê trưởng, có sự nâng cao tông giọng về phía cuối biểu lộ sự phấn khích và vui vẻ sẽ được Colgate áp dụng trong các chiến dịch tiếp thị toàn cầu.

4. Khai thác những ý tưởng mới

Khi doanh nghiệp chuyển sang dạng tiếp thị nội dung âm thanh, hãy dành thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về các ý kiến, nhận xét của người tiêu dùng. Từ đó, doanh nghiệp cần tìm ra những điểm đột phá cho chiến lược.

Thời gian qua, OnMic đã đồng hành cùng Vinpearl khai thác series Vắc Xin Văn Hóa Special. Với sự góp mặt của các chuyên gia và nghệ nhân, series này tập trung truyền tải những tinh hoa ẩm thực, văn hóa Việt Nam đến gần hơn với thính giả. Đến nay, 3 tập đã thu hút sự tham gia của hơn 500 người dùng trên ứng dụng.

Series Vắc Xin Văn Hóa Special hiện đã ra mắt 3 tập

5. Thu thập và phân tích dữ liệu

Sau khi Audio Content được phát hành, Marketer cần theo dõi các trang web, podcast, phân tích các phương tiện truyền thông và lượt click để xem xét hiệu quả và đưa ra những điều chỉnh phù hợp.

Theo MarketingProfs

Kim Ngọc / Advertising Vietnam

Nên xem